Bài viết này được xây dựng với mong muốn chia sẻ những kiến thức cơ bản đến bất cứ ai quan tâm hay muốn bắt đầu tìm hiểu về TIỀN ĐIỆN TỬ hay TIỀN MÃ HÓA, được gọi dưới cái tên Tiền Kỹ Thuật Số hay Tiền Ảo.
Mình tiếp cận tiền điện tử năm 2017, giai đoạn Downtrend dài hạn sau cú nổ từ đỉnh $20k, chủ yếu là qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi tìm hiểu về chủ đề này, mình không khỏi cảm thấy bối rối vì lượng thông tin cực kỳ lớn và không được sắp xếp hay hướng dẫn rõ ràng từ nền tảng kiến thức chung hay những chia sẻ thuần túy cho người mới mà mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Thật ra là mình lười vì lúc đấy cũng ngại đọc Tài liệu Tiếng Anh. Đến giờ thì nó cũng là một trong những thứ giúp Tiếng Anh của mình khá hơn.
Vì vậy, với mục đích mang đến những kiến thức cực kỳ đơn giản và dễ hiểu cho những người lần đầu tiếp cận tìm hiểu về công nghệ Blockchain, Cryptocurrency, mình sẽ cố gắng chắt lọc bài viết này và giải thích các thuật ngữ một cách Nông dân nhất. Bài viết này tham khảo từ nhiều nguồn chứ hoàn toàn không phải của mình đâu. :D)
~
Tiền được tạo ra ở rất nhiều nơi. Sự phát triển của nó không đòi hỏi đột phá công nghệ – đó là cuộc cách mạng thuần túy về tinh thần. Nó liên quan đến việc tạo ra một liên chủ thể mới chỉ tồn tại trong tưởng tượng được chia sẻ với mọi người. Tiền không hẳn là đồng xu hay giấy. Tiền là bất cứ điều gì mà mọi người sẵn sàng sử dụng để đại diện cho một hệ thống giá trị của những thứ khác, với mục đích trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
– Sapiens (2011) by Yuval Noah Harari
Tiền Điện Tử Là Gì?
Khái Niệm Về Tài Sản
Trước khi đào sâu vào nghiên cứu về những điều mới mẻ, chúng ta cần nghiên cứu về những thuật ngữ nền tảng. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần hiểu rõ khái niệm “tài sản”? Mình sẽ nêu ra một số khái niệm cơ bản được phần đông mọi người chấp nhận trên toàn thế giới cho đến thời điểm hiện tại.
- Tài sản là nguồn tài nguyên được kiểm soát bởi một thực thể nào đó từ các dữ liệu hay sự kiện trong quá khứ và từ đó các lợi ích kinh tế trong tương lai dự kiến sẽ chảy vào thực thể đó.– Theo Wikipedia
- Tài sản là bất cứ điều gì có giá trị hoặc một nguồn tài nguyên có giá trị có thể được chuyển đổi thành tiền mặt. Cá nhân, công ty và chính phủ sở hữu tài sản. Đối với một công ty, một tài sản có thể tạo ra doanh thu hoặc công ty có thể hưởng lợi theo cách nào đó từ việc sở hữu hoặc sử dụng tài sản.– Theo Investopedia
- Tài sản là một thực thể có chức năng lưu trữ giá trị. Quyền sở hữu được thực thi bởi các đơn vị thể chế, cá nhân hoặc tập thể, và từ đó chủ sở hữu có thể thu được lợi ích kinh tế bằng cách nắm giữ hoặc sử dụng nó qua một khoảng thời gian.– Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
- Tài sản là bất kỳ thứ gì hữu hình hoặc vô hình có thể được sở hữu hoặc kiểm soát để tạo ra giá trị và được tổ chức bởi một công ty hoặc cá nhân để tạo ra giá trị kinh tế tích cực. Nói một cách đơn giản, tài sản đại diện cho giá trị quyền sở hữu có thể được quy đổi thành tiền mặt (mặc dù tiền mặt cũng được coi là tài sản).– Theo Kế Toán Tài Chính
Trong thế giới tiền điện tử, “tài sản” là một thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ loại tiền điện tử nào. Dù được sử dụng như tiền nhưng nó có nhiều ứng dụng khác ngoài việc thanh toán.
Trên thực tế, việc sử dụng hay các định nghĩa cổ điển của khái niệm tiền tệ bị thu hẹp khi nói về tiền điện tử. Ví dụ, mặc dù Bitcoin có thể dùng để mua nước nhưng bạn cũng có thể dùng nó để mua các loại đồng tiền khác với một giá trị tương quan.
Trong bài viết “A Brief Thematic Review the nature of crypto assets”, Tiến sĩ Usman W. Chohan thuộc Đại học New South Wales đã giải thích về bản chất của tài sản crypto. Tiến sĩ Chohan giải thích rằng một tài sản crypto không tồn tại theo kích thước vật lý mà chỉ có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số. Hơn nữa, giá trị của nó bắt nguồn từ nguyên lý cung – cầu thay vì sự can thiệp từ bên ngoài, đồng thời mang tính bảo mật tối ưu.
Tiền Điện Tử
Cryptocurrency là một thuật ngữ dùng để mô tả các loại tiền kỹ thuật số vốn sử dụng mật mã học (cryptography) để bảo vệ mạng lưới thanh toán và giao dịch bên trong.
Thuật ngữ “cryptography” xuất phát từ hai từ tiếng anh Cryptographic và Currency và 2 từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “Kryptos” và “Graphein””, nghĩa là “bí mật” và “cách viết”. Quá trình mã hóa các từ và số đã tiếp diễn suốt hàng nghìn năm qua, và ngày nay, quá trình này thường được thực hiện bằng kỹ thuật số.
Bất kỳ loại tiền kỹ thuật số nào áp dụng công nghệ chuỗi các khối – Blockchain – một dạng “sổ cái” công khai ghi lại toàn bộ các giao dịch, sử dụng hàm mật mã để mã hóa dữ liệu – đều có thể được gọi là tiền điện tử hay chính xác gọi là tiền mã hóa. Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Dash, Monero… đều là tiền mã hóa.
Nhiều người nhầm lẫn tiền kỹ thuật số và tiền điện tử là một. Thật ra, tiền điện tử là chỉ là một dạng thức của tiền kỹ thuật số nói chung. Tuy nhiên, tiền điện tử được xem là một dạng thức tiên tiến và mang tính cách mạng của tiền kỹ thuật số.
Nói một cách đơn giản, tất cả tiền điện tử đều là tiền kỹ thuật số. Nhưng không phải loại tiền kỹ thuật số nào cũng là tiền điện tử.
Ví dụ cụ thể hơn nhé, tiền bạn chuyển qua lại trong ngân hàng qua Internet là một dạng tiền kỹ thuật số nhưng không phải tiền điện tử. PayPal, Skrill, tiền ảo trong các trò chơi điện tử và thậm chí cả các loại điểm thưởng tích lũy cho khách hàng trung thành trên một nền tảng nào đó (Ví dụ như điểm được tích vào thẻ thành viên Coopmart, VinMart+) cũng đều có thể được xem là tiền kỹ thuật số.
Nói cách khác, tiền kỹ thuật số là một tập mẹ và tiền điện tử hay tiền mã hóa là tập con của tiền kỹ thuật số. RẤT RẤT nhiều người đã nhầm lẫn hai khái niệm này. (TRONG ĐÓ có cả MÌNH :D)
Ở Việt Nam, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng dùng khái niệm “Tiền kỹ thuật số” khi nói về cryptocurrency là vẫn chưa chuẩn xác. Đặc biệt là dùng khái niệm “Tiền ảo” khi nói về cryptocurrency là hoàn toàn sai lầm về bản chất thực.
Hầu hết tất cả các đồng coin hiện tại đều sử dụng một công nghệ chung gọi là “blockchain” để xây dựng nên mạng lưới của nó. Đó là một mạng lưới các máy tính khác nhau cùng làm việc để ghi chép và xác nhận các giao dịch. Nó là một “Cuốn Sổ Cái” mà hàng nghìn người cùng có nó trong một thời điểm. Một khi được chỉnh sửa, sẽ yêu cầu tất cả những người có nó phải “xác nhận” những thay đổi đó là hợp lệ để việc “chỉnh sửa” có thể được xác minh.
Vì đây là một mạng lưới hợp tác ngang hàng nên các giao dịch cũng hoàn toàn ngang hàng. Đó là lý do tại sao nó không có một “thực thể tập trung” điều khiển và kiểm soát. Và tiền điện tử được xem là đồng tiền dân chủ mà chúng ta đang hướng tới.
Hiện nay có hơn 10.000 loại tiền điện tử khác nhau (tại thời điểm viết bài) trên thị trường (theo Coinmarketcap.com, một nền tảng xếp hạng các loại tiền điện tử dựa trên tổng vốn hóa thị trường của chúng). Chắc chắn Bitcoin là đồng tiền được biết đến nhiều nhất trong tất cả bởi vì nó là loại tiền tiên phong, đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra. Tiếp theo là Ethereum, Ripple, v.v…
Nếu bạn đang tìm kiếm một phương thức thanh toán ngay lập tức, an toàn, dân chủ và thật sự toàn cầu, tốn rất ít hoặc không tốn phí giao dịch, hãy tìm hiểu thêm về tiền điện tử, tiền mã hóa và cách sử dụng chúng nhé!
Các Đặc Trưng Của Tiền điện tử
Tiền điện tử chỉ hoạt động trên mạng Internet bằng cách sử dụng khả năng xử lý trên một hay nhiều mạng lưới máy tính để xác nhận và thực thi tất cả các giao dịch được thực hiện. Đổi lại, các máy tính này sẽ nhận được một khoản thưởng (hoặc gọi là phí thưởng cho mỗi giao dịch) dưới dạng tiền hệ thống đã được mã hóa. Đây là khởi điểm của nghề thợ đào Tiền điện tử.
Những hệ thống nhằm thống đảm bảo cho sự vận hành của quá trình này được gọi là hệ thống blockchain (tạm dịch là Chuỗi Khối), và đó là nền tảng cơ bản đằng sau hầu hết đồng tiền điện tử hiện tại.
Sunny Kin và Scott Nadal đã nói về cách mọi thứ được giữ an toàn và công khai với blockchain như thế nào trong bản báo cáo của họ “PPCoin: Peer-to-Peer Crypto-Currency with Proof-of-Stake”. Họ giải thích rằng blockchain hình thành bởi các khối và mỗi khối là mắt xích của chuỗi chứa bản đăng ký của bất kỳ giao dịch nào được thực hiện. Sau đó nó được kiểm tra và lưu trữ trong một hệ thống cho phép nó được phát triển dài thêm. Chính quá trình này tạo điều kiện cho sự bảo mật và an toàn luôn được duy trì mọi lúc.
Tính hữu ích của tiền điện tử có thể được xác định bởi một thuật ngữ được giải thích ở đầu bài viết này – tài sản. Không như tiền pháp định, Tiền điện tử không bị sụt giá do lạm phát. Nó ít liên quan đến ngoại hối và có vẻ gần giống vàng hơn. Điều đó có nghĩa là nó có thể tăng giá trị khi nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên, không như vàng, tiền điện tử còn có thể được sử dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới.
Trong một bài viết năm 2013, “Bitcoin: A Primer for Policymakers”, Jerry Brito và Andrea Castillo lập luận rằng tính lưỡng dụng của tiền điện tử (vừa là một cách lưu trữ giá trị vừa là một phương tiện thanh toán) đã khiến nó trở nên phổ biến. Sự phi tập trung hóa nền kinh tế cùng với khả năng tránh thuế, chống lạm phát và sự không chắc chắn ở các địa phương nói lên rằng bất cứ ai cũng có thể tiết kiệm tiền dưới dạng thức “token” và rút tiền khi nền kinh tế địa phương được cải thiện. Đó là lý do vì sao Tiền điện tử trở thành cơn sốt gần đây nhất trên thế giới.
Vậy những đặc điểm của nó là gì hay có gì thu hút để mọi người phải phát cuồng như vậy?
Đừng vội, mình sẽ trình bày một số đặc trưng cơ bản ngay sau đây.
Thứ nhất, tiền điện tử sử dụng mạng blockchain phi tập trung. Blockchain là cách tốt nhất (cho đến hiện tại) để duy trì sự đồng thuận về trạng thái của một bản ghi trong một mạng lưới phi tập trung và không dựa trên niềm tin (sự tin tưởng). Nếu một loại tiền dựa trên niềm tin dưới dạng một bản ghi được lưu trữ và quản lý tập trung thì nó đơn giản không phải là tiền điện tử (đó là lý do tại sao PayPal và SWIFT không phải tiền điện tử).
Lưu ý: Để có một blockchain phi tập trung, xử lý các giao dịch không dựa trên niềm tin và cần được phép tự động, bạn cần những thành tố được liệt kê ở dưới đây.
- Cách thức mã hóa.
- Một mạng lưới có cấu trúc phân tán. (Decentralized Network)
- Một cơ chế đồng thuận (chẳng hạn như PoW – Proof of Work hay PoS – Proof of Stake).
Thứ hai, Tiền điện tử cần được vận hành trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Loại tiền này là một dạng kiểu như phần mềm, nhưng nó phụ thuộc vào phần cứng máy tính và mạng máy tính. Công nghệ máy tính và kết nối mạng rất cần thiết đối với các chức năng của tiền điện tử. Trong tương lai, rất có thể Tiền điện tử sẽ được bổ sung thêm trên những khía cạnh Vật lý khác tùy theo từng loại tiền điện tử nhất định (chẳng hạn như thẻ RFID, thẻ Chip để thanh toán, …).
Đặc trưng thứ ba – đó là mặc dù Tiền điện tử là một dạng gần giống như phần mềm. Tuy nó có chức năng của tiền tệ nhưng bạn lại chủ quyền với nó. Cái mình muốn nói ở đây là “quyền kiểm soát của bạn với tiền của bạn”, chủ quyền mà bất kỳ ai thậm chí cả nhà nước hay các định chế Tài chính cũng không thể tước đoạt đi khỏi bạn.
Sự Khác Biệt Của Tiền Điện Tử và Các Loại Tiền Tệ Khác
Đầu tiên, chúng ta hãy xem qua khái niệm về một số loại tiền tệ cơ bản:
- Tiền tệ dạng hàng hoá (Commodity Currency): loại tiền có giá trị được quy định bởi “cái” (loại hàng hóa) làm nên nó (vàng, bạc, dầu mỏ, …) hoặc cái mà nó đại diện. Nói đơn giản như là bạn dùng 10 ổ bánh mì thịt để đổi lấy 1 con vịt hoặc lấy 100.000 VNĐ.
- Tiền pháp định (Fiat Currency): tiền do chính phủ phát hành, giá trị và phạm vi sử dụng của nó được “chống lưng” và điều phối bởi chính phủ và các định chế tài chính phát hành ra nó. Bản thân tiền pháp định không có giá trị nội tại. Giá trị sử dụng của tiền pháp định có được là do niềm tin của người dân vào chính phủ phát hành nó, một khi chính phủ yếu kém và người dân mất niềm tin vào đồng tiền đó thì giá trị của nó gần như trở về 0 (Ví dụ: Zimbabwe, Venezuela).
- Tiền điện tử hay tiền mã hóa (Cryptocurrency): thuật ngữ dùng để mô tả các loại tiền kỹ thuật số vốn sử dụng mật mã học để bảo vệ mạng lưới thanh toán và giao dịch bên trong. Tiền điện tử được tạo ra dựa trên quy luật cung cầu, niềm tin của người dùng và có tính ứng dụng cao như tốc độ giao dịch, sự an toàn, mức độ tiện lợi, hay như phí giao dịch thấp, và đảm bảo tính bảo mật, …
Rõ ràng, điểm khác biệt quan trọng nhất của tiền điện tử so với các loại tiền tệ khác, cụ thể hơn là tiền pháp định đó là : tiền điện tử là đồng tiền của cộng đồng – giá trị của nó là do sự chấp nhận của cộng đồng (dựa trên quy luật cung cầu thuần túy), sự bảo mật của nó là do tự thuật toán đằng sau nó và cộng đồng sử dụng nó góp phần đảm bảo, nó vận hành một cách “phi tập trung”, tức là không bị một cá nhân hay tổ chức nào chi phối cả. Chính phủ cũng rất khó có thể dùng quyền lực của mình để đánh sập tiền điện tử như Bitcoin. Trừ khi là mạng Internet bị đánh sập, và ngay cả như vậy, khả năng phục hồi của mạng lưới cũng rất cao.
Tiền điện tử thực sự là một bước ngoặt lớn trong lịch sử, khi mỗi cá nhân có toàn quyền kiểm soát tiền của bản thân mình. Chỉ cần kiểm soát Private Key (khóa bí mật), bạn đã tự mình trở thành một ngân hàng cá nhân thời đại 4.0.
Đặc điểm nổi trội của Tiền điện tử trong việc giải quyết vấn đề đồng tiền mất giá chính là tính hữu hạn. Chính phủ có thể in thêm tiền pháp định (bản chất của in thêm là tăng lượng cung tiền – có thể là tiền giấy, tín dụng vào nền kinh tế) bất kỳ lúc nào họ muốn và sẽ gây ra lạm phát nếu bản chất nền kinh tế không được kích thích theo đúng như kế hoạch mà các nhà cầm quyền mong muốn.
Điển hình nhất cho việc này là đất nước Venezuela lạm phát phi mã tới nỗi đồng tiền mất giá, người dân dùng bao tải thay cho ví, cân tiền thay vì đếm. Quỹ Tiền tệ thế giới IMF dự báo đến cuối năm nay, tỉ lệ lạm phát ở Venezuela sẽ đạt mức kỷ lục là 1.000.000%.
Nhưng Bitcoin (đại diện nổi bật nhất của tiền điện tử trong thời điểm hiện tại) dựa trên nền tảng Blockchain được thiết kế để không thể “in” thêm được. Đối với Bitcoin, bản thân nó chỉ có tối đa 21 triệu đồng sẽ được phát hành trên phạm vi toàn thế giới cho tới năm 2140. Nhờ thuật toán mà số lượng đồng Bitcoin không thể tăng lên sau thời điểm đó nữa. Trên thực tế, vào thời điểm tháng 10/2018 mới chỉ có 17,3 triệu Bitcoin đã được phát hành (qua hình thức “đào”), còn hơn 4 triệu Bitcoin chưa được khai thác hết. Để tìm được hơn 4 triệu Bitcoin đó, người ta bắt buộc phải phải “đào” thêm.
Thuật ngữ “đào Bitcoin” ở đây không phải là đào bằng vật lý, mà là dùng máy móc, dùng điện và dựa trên thuật toán. Độ khó của đào Bitcoin tăng lên theo cấp số nhân, tức càng nhiều người đào độ khó sẽ càng nhân lên gấp nhiều lần.Theo tính toán, để đào hết hơn 4 triệu Bitcoin còn lại phải chờ đến năm 2140 mới xong. Chưa kể, hiện tại trên thế giới đã mất khoảng 4 triệu Bitcoin vì những lý do khá ngớ ngẩn như người sở hữu quên mật khẩu, thất lạc các hình thức truy cập tài khoản, hoặc qua đời. Cho nên, 4 triệu Bitcoin này vẫn còn đó nhưng lại vĩnh viễn không bao giờ truy cập được. Như vậy, số lượng Bitcoin không chỉ là hữu hạn, thậm chí nó chỉ có giảm mà không có tăng. Và Cryptocurrency đã giải quyết được bài toán “in” thêm tiền mà Fiat Currency không giải quyết được.
Với những thông tin về tính hữu hạn như trên, chắc hẳn lúc này bạn đang lo lắng rằng nếu như Bitcoin bị giới hạn số lượng như vậy thì sẽ không thể đáp ứng được đủ cho người dùng, chẳng hạn như đồng Bitcoin chỉ có 21 triệu đồng, nếu số người dùng là 21 triệu người thì hóa ra mỗi người trung bình chỉ có được 1 đồng Bitcoin. Chuyện đó sẽ xảy ra nếu như Bitcoin là tiền giấy, nhưng ở đây Bitcoin là tiền điện tử, và cũng như đại đa số các đồng tiền điện tử khác, chúng là những con số trên máy tính, và nó hoàn toàn có thể được chia nhỏ ra rất nhiều lần. Giả sử 1 Bitcoin có giá 1.000 USD thì 1 USD tương đương với 0.001 Bitcoin, nếu 1 Bitcoin tăng lên 100.000 USD thì 1 đô tương đương 0.00001 Bitcoin. Bitcoin có thể chia nhỏ đến tới 0.00000001, và mỗi đơn vị như vậy được gọi là 1 Satoshi.
Khi đó Bitcoin vẫn có thể dễ dàng đại diện cho nền kinh tế trong vai trò một đồng tiền trung gian. Và bạn yên tâm, thế giới tiền điện tử không chỉ có Bitcoin, trên thị trường đang có hàng ngàn loại tiền điện tử khác nữa, và chúng ta hoàn toàn yên tâm là tiền điện tử hoàn toàn có khả năng đại diện cho giá trị của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Tính chia nhỏ của đồng tiền làm cho Cryptocurrency vừa đáp ứng được đặc tính hữu hạn, mà vẫn giải quyết được bài toán khi số lượng người dùng tăng cao. Đa số các đồng tiền điện tử khác cũng có số lượng giới hạn, và cái hay của nó đó là ngay cả người tạo ra đồng tiền đó cũng không thể tự mình “in” thêm được. Cho nên, đây cũng là sự khác biệt cực kì độc đáo của Tiền điện tử.
Ưu Và Nhược Điểm Của Tiền Điện Tử
Ưu điểm
- Giao dịch được thực hiện dễ dàng trên phạm vi toàn cầu, có thể thực hiện được ở bất cứ đâu miễn là có mạng Internet. Bạn có thể chuyển hoặc nhận tiền điện tử ngay lập tức mà không cần thông qua bên trung gian như ngân hàng, chính phủ, …
- Chi phí giao dịch thấp (có những đồng hoàn toàn miễn phí giao dịch). Ví dụ như bạn chuyển tiền trên hệ thống của TRX chỉ tốn có 1 USDT nhưng phí chuyển tiền Western Union lên tới 8-10$.
- Giao dịch đều ẩn danh và được mã hóa nên đảm bảo tính bảo mật cao, rất khó bị hack.
- Nếu bạn nắm giữ tiền điện tử bạn có toàn quyền kiểm soát tiền của mình (hiện tại chỉ nằm ở một số đồng tiền chính trên thị trường).
Nhược điểm
- Với những người mới sử dụng cần có thời gian để họ có thể làm quen với công nghệ mới này để có thể sử dụng một cách thành thạo và an toàn.
- Sự biến động về giá, cũng như tính không đảm bảo khi đầu tư.
- Không rõ ràng về luật pháp trên toàn cầu. Dẫn đến rất nhiều sự lo ngại đối với việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử.
Bạn Có Thể Làm Gì Với Tiền Điện Tử
Mua hàng
Trong quá khứ, cố gắng tìm một nhà bán lẻ chấp nhận tiền điện tử là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình đã thay đổi theo chiều hướng khác.
Có rất nhiều nhà bán lẻ – cả trực tuyến và ngoại tuyến – chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán. Họ bao gồm các nhà bán lẻ trực tuyến lớn như Overstock và Newegg cho đến các cửa hàng nhỏ, quán bar và nhà hàng địa phương. Bitcoin có thể được sử dụng để thanh toán cho khách sạn, chuyến bay, đồ trang sức, ứng dụng, bộ phận máy tính và thậm chí là bằng đại học.
Mặc dù các loại tiền tệ mã hóa khác như Litecoin, Ripple, Ethereum… vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi nhưng mọi thứ đang được thay đổi tốt hơn, ví dụ như Apple đã ủy quyền cho ít nhất 10 loại tiền điện tử khác nhau như một hình thức thanh toán khả thi trên App Store.
Tất nhiên, người dùng của các loại tiền điện tử không phải Bitcoin luôn có thể đổi tiền của họ sang BTC. Hơn nữa, có các trang web của Gift Card như Gift Off, đã chấp nhận khoảng 20 loại tiền điện tử khác nhau. Về cơ bản, thông qua các thẻ quà tặng, bạn có thể mua bất cứ thứ gì bằng tiền điện tử.
Cuối cùng, có các thị trường như Bitify và OpenBazaar cũng đã chấp nhận tiền điện tử.
Đầu tư
Nhiều người cho rằng tiền điện tử là cơ hội đầu tư hot nhất hiện nay. Thật vậy, có nhiều câu chuyện về những người đã trở thành triệu phú thông qua các khoản đầu tư Bitcoin của họ. Bitcoin là đồng tiền điện tử dễ nhận biết nhất cho đến nay, và vào ngày 17 tháng 12 năm 2017, giá của một Bitcoin đã tăng lên hơn $ 20.000.
Ethereum, có lẽ là đồng tiền điện tử có giá trị cao thứ hai, đã ghi nhận sự gia tăng nhanh nhất một loại tiền điện tử từng được chứng minh. Kể từ tháng 5 năm 2016, giá trị của ETH đã tăng ít nhất 2.700%. Khi nói đến tất cả các đồng tiền điện tử, giới hạn thị trường của những đồng tiền này đã tăng hơn 10.000% kể từ giữa năm 2013.
Tuy nhiên, đáng chú ý, tiền điện tử là các khoản đầu tư rủi ro cao. Giá trị thị trường của loại thị trường này dao động không giống như các loại tài sản khác. Hơn nữa, vì thị trường này không được kiểm soát, nên nó nằm ngoài vòng pháp luật tại một số khu vực pháp lý và các sàn giao dịch tiền điện tử luôn có thể có khả năng bị tấn công.
Nếu bạn quyết định đầu tư vào tiền điện tử, Bitcoin rõ ràng vẫn là ưu thế. Tuy nhiên, trong năm 2017, thị phần của Bitcoin trong thị trường crypto đã giảm đáng kể từ 90% xuống còn 40%. Có rất nhiều tùy chọn hiện có sẵn, với một số đồng tiền được tập trung vào tính riêng tư, số khác ít mở và phân cấp hơn Bitcoin và một số lại sao chép hoàn toàn các đặc tính của Bitcoin.
Mặc dù Bitcoin rất dễ mua – có rất nhiều sàn cung cấp các giao dịch với BTC, nhưng các loại tiền điện tử khác thì lại không dễ kiếm được. Mặc dù vậy, tình trạng này đang dần cải thiện với các sàn giao dịch lớn như Binance, Huobi, OKEx, Kraken, Bitfinex, BitStamp và nhiều công ty khác bắt đầu bán Litecoin, Ethereum, Monero, Ripple, … Ngoài ra còn có một vài cách khác nhau để mua được đồng tiền này, ví dụ, bạn có thể giao dịch P2P (Peer to peer) với một người bán hoặc sử dụng một máy ATM Bitcoin (Hiện tại chưa có ở Việt Nam).
Một khi bạn đã mua crypto, bạn cần một cách để lưu trữ nó. Tất cả các sàn giao dịch lớn đều cung cấp dịch vụ ví. Tuy nhiên, mặc dù ví trực tuyến có vẻ thuận tiện, nhưng tốt nhất là bạn nên lưu trữ tài sản của mình trong ví ngoại tuyến trên ổ cứng hoặc thậm chí đầu tư vào ví tiền phần cứng. Đây là cách an toàn nhất để lưu trữ tiền của bạn và nó mang lại cho bạn toàn quyền kiểm soát tài sản của bạn. ví dụ như Ledger Nano S, TREZOR, …
Giống như với bất kỳ các khoản đầu tư khác, bạn cần chú ý kỹ hơn đến giá trị thị trường của tiền điện tử và bất kỳ tin tức nào liên quan đến chúng. Coinmarketcap.com là giải pháp một cửa để theo dõi giá, khối lượng, nguồn cung cấp lưu thông và vốn hóa thị trường của hầu hết các loại tiền điện tử hiện có.
Tùy thuộc vào khu vực pháp lý bạn sống, khi bạn đã kiếm được lợi nhuận hoặc bị thua lỗ khi đầu tư vào tiền điện tử, bạn có thể cần phải đưa nó vào trong báo cáo thuế của mình. Về thuế, tiền điện tử được xử lý rất khác nhau giữa các quốc gia. Tại Hoa Kỳ, Sở Thuế vụ quy định rằng Bitcoin và các loại tiền tệ mã hóa khác sẽ bị đánh thuế là tài sản chứ không phải tiền tệ. Đối với các nhà đầu tư, điều này có nghĩa là các khoản lãi và lỗ dài hạn từ giao dịch tiền điện tử được tính thuế theo tỷ lệ tăng vốn áp dụng của mỗi nhà đầu tư, với mức tối đa là 15%.
Khai Thác
Giống như giao dịch, khai thác mỏ là một khoản đầu tư.
Miner là phần quan trọng nhất của tất cả các mạng lưới tiền điện tử, và giống như giao dịch, khai thác coin cũng là một khoản đầu tư. Về cơ bản, miner cung cấp dịch vụ kế toán cho các cộng đồng tương ứng của họ. Họ đóng góp sức mạnh tính toán của mình để giải quyết các câu đố mã hóa phức tạp, cần thiết để xác nhận một giao dịch và ghi lại nó trong một sổ cái công cộng phân quyền gọi là Blockchain.
Một trong những điều thú vị về khai thác coin là khó khăn của các câu đố liên tục tăng lên, tương quan với số lượng người cố gắng xử lý nó. Vì vậy, tiền điện tử chắc chắn ngày càng trở nên phổ biến, càng có nhiều người cố gắng khai thác nó, thì quá trình càng trở nên khó khăn hơn.
Rất nhiều người may mắn khi khai thác Bitcoin. Trong quá khứ, khi bạn có thể tạo ra lợi nhuận đáng kể từ việc khai thác chỉ bằng máy tính của bạn, hoặc thậm chí là một chiếc máy tính xách tay đủ sức mạnh. Ngày nay, khai thác Bitcoin chỉ có thể mang lại lợi nhuận nếu bạn sẵn sàng đầu tư vào phần cứng khai thác cấp độ công nghiệp. Quá trình này, tất nhiên, phát sinh hóa đơn tiền điện khổng lồ trên đầu trang giá cả của tất cả các thiết bị cần thiết.
Hiện tại, những Tiền kỹ thuật số có giá không quá cao và có giá trị đầu tư hiệu nhất cho những người mới bắt đầu là Litecoin, Dogecoin, XRP, Cardano, … (những đồng Coin có vốn hóa Top 10).
Nhưng làm thế nào để các miner kiếm được lợi nhuận? Càng có nhiều sức mạnh tính toán hơn để xử lý, thì càng có nhiều cơ hội để giải quyết các câu đố mã hóa. Khi một miner giải quyết các câu đố, họ nhận được một phần thưởng cũng như một khoản phí giao dịch.
Khi một đồng tiền điện tử thu hút sự quan tâm nhiều hơn, thì khai thác càng trở nên khó khăn hơn và số lượng coin nhận được như một phần thưởng sẽ giảm xuống. Ví dụ, lần đầu tiên khi Bitcoin được tạo ra, 50 BTC là phần thưởng cho việc khai thác thành công. Bây giờ, phần thưởng đó là 12.5 Bitcoin. Điều này xảy ra vì mạng Bitcoin được thiết kế sao cho chỉ có tổng cộng 21 triệu coin được lưu hành.
Tính đến tháng 10/2019, hơn 18 triệu Bitcoin đã được khai thác và phân phối. Tuy nhiên, khi phần thưởng ngày càng ít đi, thì mỗi Bitcoin được khai thác đơn lẻ sẽ trở nên có giá trị theo cấp số nhân và có giá trị hơn.
Tất cả những yếu tố đó làm cho việc khai thác tiền điện tử trở thành một cuộc đua vũ khí cực kỳ cạnh tranh để thưởng cho những người chấp nhận sớm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống, lợi nhuận thu được từ khai thác coin có thể phải chịu thuế và quy định chuyển tiền. Tại Mỹ, FinCEN đã ban hành một hướng dẫn, theo đó khai thác crypto và giao dịch chúng cho tiền fiat có thể được coi là chuyển tiền. Điều này có nghĩa là các miner có thể cần tuân thủ các luật và quy định đặc biệt liên quan đến loại hoạt động này.
Chấp nhận thanh toán (cho doanh nghiệp)
Nếu bạn sở hữu một doanh nghiệp và nếu bạn đang tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới, thì việc chấp nhận tiền điện tử như một hình thức thanh toán có thể là giải pháp cho bạn. Sự quan tâm đến tiền điện tử chưa bao giờ giảm nhiệt và nó chỉ tăng lên. Cùng với sự quan tâm ngày càng tăng, số lượng các máy ATM crypto trên toàn thế giới cũng tăng lên. Coin ATM Radar hiện đã cài đặt gần 5800 máy ATM ở 75 quốc gia.
Trước hết, bạn cần cho khách hàng của mình biết rằng doanh nghiệp của bạn chấp nhận tiền điện tử. Các khoản thanh toán bằng crypto có thể được chấp nhận bằng cách sử dụng thiết bị đầu cuối phần cứng, ứng dụng màn hình cảm ứng hoặc địa chỉ ví đơn giản thông qua mã QR.
Có nhiều dịch vụ khác nhau mà bạn có thể sử dụng để chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử. Ví dụ, CoinPayments hiện chấp nhận hơn 75 loại tiền điện tử khác nhau và chỉ tính phí hoa hồng 0,5% cho mỗi giao dịch. Sau này, các dịch vụ phổ biến khác bao gồm Cryptonator, CoinGate và BitPay cũng đã chấp nhận Bitcoins.
Tại Mỹ, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đã được công nhận là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi, có nghĩa là chấp nhận chúng như một hình thức thanh toán giống hệt như nhận tiền mặt, vàng hoặc thẻ quà tặng.
Đối với mục đích thuế, các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ chấp nhận tiền điện tử cần ghi lại tham chiếu bán hàng, số tiền nhận được bằng một đơn vị tiền tệ cụ thể và ngày giao dịch. Liên quan đến thuế bán hàng, số tiền đến hạn được tính dựa trên tỷ giá hối đoái trung bình tại thời điểm bán.
Tiền Điện Tử Có Hợp Pháp Không?
Với một số quốc gia châu Âu và châu Mỹ, chính sách về tiền điện tử của chính phủ rất thân thiện với người dân khi cho phép giao dịch bằng tiền điện tử. Ví dụ như bạn có thể mua một món hàng và trả tiền bằng Bitcoin thay vì tiền mặt. Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Úc, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nga… là các quốc gia đi đầu trong việc phổ biến tiền điện tử và đang nắm giữ một số lượng crypto assets (tài sản mã hóa) lớn so với các quốc gia khác.
Thế nhưng, một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia… thì chính phủ lại không mấy thân thiện với tiền điện tử khi cấm các hình thức giao dịch bằng tiền điện tử. Cụ thể, Việt Nam xếp Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác vào danh mục “phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Điều chúng ta cần làm rõ ở đây là luật chỉ quy định tiền điện tử không được xem là phương tiện thanh toán, tương tự như vàng cũng không được xem là phương tiện thanh toán (chẳng hạn như bạn không thể dùng một lượng vàng để mua một chiếc xe). Nhưng đối với vàng, bạn vẫn có thể trao đổi, mua bán, tích trữ vàng một cách hợp pháp, và tiền điện tử cũng như vậy.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có luật nào cấm dùng Fiat Currency (tiền pháp định) để mua tiền điện tử và ngược lại. Trên thế giới hiện nay, cơ quan quản lý tài chính của Anh (FCA) đã tiến hành hướng dẫn các ngân hàng về việc quản lý các vấn đề liên quan đến giao dịch và đầu tư và tiền điện tử, hoặc tài sản mã hóa. FCA khuyến khích ngân hàng giáo dục nhân viên về thế giới tiền điện tử, mô hình này sẽ cực kỳ hữu ích cho sự phát triển của tiền điện tử, vì người tiêu dùng có thể trò chuyện với người được tín nhiệm, một cách trực tiếp, theo các hoạt động trong giới crypto, cũng như được tư vấn về các quy trình đã được thiết kế tốt nhằm duy trì sự an toàn khi tham gia vào tiền điện tử. Đây là một nhu cầu không thể chối cãi trong lĩnh vực này.
Cùng với thông báo từ vương quốc Anh, Ireland cũng lên kế hoạch trở thành một trung tâm Blockchain toàn cầu. Kế hoạch này được khởi xướng bởi tổ chức IDA của Ireland, đây là một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về việc huy động nguồn vốn trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nhằm tiến hành việc đầu tư và phát triển công nghệ Blockchain trên toàn quốc.
Việc liên minh Châu Âu thành lập Hiệp hội Đối tác Blockchain (European Union Blockchain Partnership) và kế hoạch của vương quốc Anh trong việc đào tạo mọi người hiểu biết hơn về Blockchain và tiền điện tử là vô cùng quan trọng. Khi những thể chế cực kỳ lớn mạnh như liên minh Châu Âu và vương quốc Anh công bố niềm tin vào tiền điện tử, thì crypto sẽ tiến gần hơn đến sự chấp nhận của thị trường đại chúng toàn cầu.
Tuy nhiên ngoài những tiện ích nó mang lại thì cũng có những lo ngại kéo theo sau đó
Rất nhiều lo ngại đã được nêu ra về bản chất phi tập trung của các tiền điện tử và khả năng của chúng được sử dụng gần như hoàn toàn ẩn danh. Các nhà chức trách trên toàn thế giới đang lo lắng về sự hấp dẫn của tiền điện tử đối với các thương nhân và dịch vụ bất hợp pháp. Hơn nữa, họ lo lắng về việc họ sử dụng các phương án rửa tiền và trốn thuế.
BLOCKCHAIN LÀ GÌ?
Định Nghĩa Blockchain là gì?
Nếu bạn tò mò và thử lên Google tìm kiếm với từ khóa này thì kết quả là có hàng tá những định nghĩa về blockchain. Bạn hãy ấn vào một số kết quả đầu tiên và đọc thử xem, nói thật hồi đầu khi tìm hiểu về cái gọi là “Blockchain” này thì mình cũng nhức hết cả đầu sau khi đọc những định nghĩa đó. Bạn có thể thử một chút trước khi đọc định nghĩa mình đưa ra bên dưới.
“Blockchain là một loại dữ liệu, một cách lưu trữ những hồ sơ giao dịch và các giá trị”
Nếu nói một cách đơn giản thì nó chính là vậy đó, chắc với định nghĩa đơn giản này thì với nhiều người có lẽ họ sẽ nghĩ rằng : cái quái gì , sao cái thứ hoành tráng như thế kia chỉ là một mớ dữ liệu thôi á.
Dù Blockchain là một loại dữ liệu nhưng định nghĩa đó cũng không hoàn toàn diễn tả đặc tính thật sự nằm trong cách thức Blockchain lưu giữ các hồ sơ giá trị và giao dịch.
Blockchain là một công nghệ mới, nhưng nó được hình thành nhờ kết hợp 3 loại công nghệ cũ đã có trước đó, nhưng lại được kết hợp lại một cách khéo léo để tạo nên khác biệt xuất sắc. 3 công nghệ kết hợp lại tạo nên Blockchain đó chính là :
• Cryptography : Sử dụng public key và hàm hash function để đảm bảo tính minh bạch, toàn vẹn và riêng tư.
• P2P Network : Mỗi một nút trong mạng được xem như một client và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng.
• Protocol : Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (PoW – Proof of Work, PoS – Proof of Stake…) và được thúc đẩy bởi động lực kinh tế.
Hiểu đơn giản, Blockchain giống như một “cuốn sổ cái không thể thay đổi”.
Cryptography
Công nghệ đầu tiên là Cryptography (Mật mã học) tức là cách mà chúng ta mã hóa thông tin.
Bạn tưởng tượng khi có các giao dịch diễn ra, Các nút mạng (máy tính) sẽ ghi chép các thông tin giao dịch vào một cuốn sổ chính. Và “cuốn sổ” đó nó sử dụng công nghệ mã hóa để đảm bảo rằng tình trạng về các tài khoản liên quan là công khai (ngoại trừ danh tính của chủ tài khoản), mọi người đều có thể nhìn thấy được số dư của bất kỳ một tài khoản nào đó có trong cuốn sổ, nhưng không biết ai là chủ sở hữu thực sự của tài khoản đó ở ngoài đời (nếu như không sử dụng các kỹ thuật phức tạp để lần theo dấu vết).
Và với mỗi tài khoản có trong “cuốn sổ” này, thì chỉ người chủ đích thực của tài khoản đó (là người nắm giữ Private Key – chìa khóa riêng tư) mới có thể truy cập vào để thực hiện việc chi tiêu số tiền có trong đó. Tiếp nữa, bất kỳ một sự thay đổi nào của “cuốn sổ” cũng được công khai. Tuy nhiên, một khi thông tin đã ghi lên trên đó thì việc thay đổi nó gần như là không khả thi.
P2P Network
Công nghệ thứ hai là công nghệ P2P Network (Peer-to-Peer) hay còn gọi là Distributed Network. Công nghệ này có tên gọi là mạng ngang hàng hay mạng đồng đẳng, tức là mạng nối trực tiếp với nhau mà không cần qua máy chủ trung gian.
Với “cuốn sổ” ở trên, nó không được giữ bởi một cá nhân “quyền lực” nào cả, mà nó được chia sẻ và lưu trữ bởi tất cả mọi người trong cộng đồng. Ai thích cũng có thể tải một phiên bản của cuốn sổ đó về máy tính của mình để theo dõi và cập nhật (khi đó, máy tính của họ trở thành một node – nút của mạng lưới). Bất kỳ một thay đổi nào trên cuốn sổ cũng gần như ngay lập tức được cập nhật đến tất cả các nút mạng, và mọi người có quyền truy cập tự do, không cần phải thông qua một máy chủ nào đó để được tiếp cận với các thông tin công khai của cuốn sổ.
Tính chất ngang hàng của “cuốn sổ” còn được thể hiện ở đặc tính: bất kỳ ai muốn và có đủ năng lực cũng có thể “ứng cử” để trở thành người ghi sổ – kế toán viên (bạn đã nghe đến các thợ đào, họ chính là kế toán viên đang được nói đến ở đây). Và khi đó, mọi kế toán viên đều có cơ hội được ghi chép các thay đổi vào “cuốn sổ kế toán thần kỳ”. Việc ai giành được quyền ghi sổ để lĩnh lương (ở đây là phần thưởng của mạng lưới) sẽ do công nghệ thứ 3 quyết định.
Tiếp nữa, nếu như một chủ tài khoản nào đó bắt tay với kế toán viên được chọn cho nhiệm vụ ghi sổ nhằm thực hiện hành vi gian lận (dùng một đồng tiền để chi tiêu nhiều lần – double spending) của mình thì sao? “Cuốn sổ” được gọi là thần kỳ vì nó chống lại được sự gian lận đó. Một khi kế toán viên được chọn tiến hành ghi sổ, dữ liệu mới chuẩn bị được ghi vào cuốn sổ sẽ được cập nhật đến tất cả mọi kế toán viên khác, và nếu như các kế toán viên khác phát hiện gian lận, họ sẽ phát cảnh báo lên toàn hệ thống, lúc đó, dữ liệu mới đó sẽ được tính là không hợp lệ, và quyền ghi sổ sẽ được chọn lại.
Tức là để dữ liệu được ghi vào sổ một cách hợp lệ, cần phải có một sự “đồng thuận” của tất cả các kế toán viên. Bạn thấy đó, quyền lực tác động lên tình trạng của cuốn sổ không nằm gọn trong tay một cá nhân nào cả, mọi người trên mạng lưới đều có tiếng nói của mình.
Protocol (Giao thức)
Công nghệ thứ ba là Protocol (Giao thức). Giao thức là một bộ các quy tắc quy định cách các đối tượng trong một mạng lưới trao đổi thông tin, giao tiếp với nhau, đồng thuận với nhau. Nó được áp dụng vào Blockchain như thế nào?
Bản chất quan trọng nhất của Blockchain là cách thức dữ liệu được lưu trữ, thêm mới và phân tán trong mạng lưới.
Tất cả các quá trình lưu trữ, thêm mới, phân tán của dữ liệu đều phải được thực hiện thống nhất theo những quy tắc định sẵn. Và do tính chất phi tập trung của Blockchain, mọi sự thay đổi trong dữ liệu đều cần đạt được sự đồng thuận của các máy tính (node) trong mạng lưới (network), chứ không phải do một máy chủ nào đó quyết định. Vì vậy, giữa các máy tính (node) trong mạng lưới phải có bộ quy tắc để quy định cách chúng giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau, từ đó đi đến đạt được sự đồng thuận trong toàn mạng lưới. Đây chính là chức năng của các Protocol (giao thức) trong công nghệ Blockchain.
Quay lại với ví dụ trên, bất kỳ một thay đổi nào trên hệ thống mà muốn được ghi lại trên “cuốn sổ” đều đòi hỏi phải được xác nhận là hợp lệ và đạt được sự “đồng thuận” trên mạng lưới. Có rất nhiều người muốn trở thành người có quyền được ghi sổ, vì chỉ khi có quyền đó và thực hiện xong việc ghi sổ, họ mới được “lĩnh lương” (hay còn gọi là nhận thưởng hay nhận phí hoa hồng trên một giao dịch). Tức là có rất nhiều kế toán viên có khả năng được chọn để ghi sổ và lĩnh lương, tuy nhiên chỉ có một người được chọn. Sau khi được chọn, người đó sẽ tiến hành ghi sổ, tuy nhiên, để phần nội dung ghi thêm đó là hợp lệ thì đòi hỏi phải đạt được sự xác thực của các kế toán viên khác trên toàn mạng lưới.
Tất cả quá trình lựa chọn người có quyền ghi lên sổ cái, phân tán nội dung cần ghi thêm trên một block trên toàn mạng lưới. Một hay nhiều người có quyền thực hiện một giao dịch có thể hiểu là một hay nhiều nhân viên kế toán. Đó là cách đi đến sự đồng thuận để tạo ra phiên bản tốt nhất của “sổ cái” Blockchain. Quá trình này về bản chất, cần tuân theo những quy tắc nhất định của mạng lưới.
Tại Sao Blockchain Lại Mang Tính Đột Phá?
Lấy Bitcoin làm ví dụ, về bản chất Blockchain là một cuốn sổ cái được chia sẻ minh bạch mà nhiều người dùng có khả năng theo dõi và cùng quản lý. Bất cứ lúc nào một Bitcoin được chi tiêu, một giao dịch được tạo ra, người dùng có thể tìm thấy các thông tin chi tiết như người gửi, người nhận và số tiền Bitcoin giao dịch.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp của Bitcoin, giao dịch chính được đảm bảo bằng kỹ thuật mã hóa với chữ ký bí mật gọi là “chìa khóa riêng tư – private key” được giữ trong ví Bitcoin của người dùng, cùng với số Bitcoin của họ. Thông thường phải mất mười phút để hệ thống xác nhận một giao dịch nhưng khi đã xác nhận thì ngay sau đó nó sẽ được thêm vào một “block – khối”. Các khối được liên kết theo thời gian để duy trì tính thống nhất và toàn vẹn của hệ thống, tạo ra chuỗi các khối được gọi là “Blockchain”. Bất cứ khi nào thay đổi được thực hiện, toàn bộ chuỗi Blockchain sẽ được cập nhập lại. Blockchain giúp bảo mật và hợp lý hóa các giao dịch một cách hiệu quả mà không yêu cầu các bên trung gian quản lý quá trình.
Blockchain Sẽ Thay Đổi Thế Giới Như Thế Nào?
Sự xuất hiện của Blockchain cũng giống như các cột mốc khác trong lịch sử nhân loại: máy dệt, máy tính, mạng internet.
Hệ thống này sẽ thay đổi cách chúng ta tin tưởng và nhìn nhận thế giới, mang tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nhân loại.
Tiềm năng lớn nhất chính là việc ứng dụng các “Hợp Đồng Thông Minh” (Smart Contract) trên nền tảng Blockchain: các thoả thuận trong hợp đồng và giao dịch sẽ được xác nhận mà không tiết lộ thông tin giữa các bên với một người trung gian nào đó mà vẫn đảm bảo mọi thứ là minh bạch và chắc chắn nhất. Thông tin trong Blockchain cực khó để có thể bị làm giả (Trừ tấn công 51%), mọi thay đổi cần phải nhận được sự đồng thuận của các bên tham gia vào mạng lưới theo một thuật toán đã được công khai từ trước (thuật toán đồng thuận).
Đây là một hệ thống không dễ dàng sụp đổ, vì ngay cả khi một phần mạng lưới tê liệt thì các nút mạng khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Công nghệ Blockchain ngày nay đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán…
Công nghệ Blockchain mang tính cách mạng trên nhiều mặt của xã hội như:
- Tạo và chuyển giao các giá trị: lấy ví dụ là Bitcoin một loại vàng điện tử – có nhiều đặc tính có giá trị hơn vàng truyền thống như là: nhẹ hơn vì ở dưới dạng kỹ thuật số, hỗ trợ chuyển tiền quốc tế đơn giản, dễ phân phối và có tính thanh khoản cao (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt), …
- Bảo vệ tài sản, dữ liệu: Công nghệ Blockchain cải thiện hệ thống chống hàng giả và khẳng định quyền sở hữu tài sản bằng cách tạo hồ sơ cực kỳ rõ ràng và minh bạch trong thời gian thực.
- Xử lý thanh toán giao dịch toàn cầu: loại bỏ hoặc làm giảm tính cần thiết của việc tham gia xử lý giao dịch của bên trung gian thứ 3 như ngân hàng để làm tăng tốc độ giao dịch, giảm phí giao dịch. Điều này là vô cùng cấp thiết trong môi trường thanh toán quốc tế như hiện nay.
- Hợp đồng quản lý và hợp đồng thông minh: cập nhập, quản lý, theo dõi các hợp đồng ở các tổ chức tài chính, ngành bảo hiểm, bất động sản, pháp luật,…
- Quản lý chuỗi cung ứng: Chuỗi siêu thị Walmark đã sử dụng Blockchain theo dõi cung ứng hàng hóa, ngày hết hạn sản phẩm, thời gian vận chuyển,… – một hệ thống theo dõi tức thì, chính xác và không thể gian lận.
- Nhận dạng hệ thống hồ sơ cá nhân và mật khẩu: Quản lý tất cả hồ sơ cá nhân một cách an toàn và không thể làm giả.
- Huy động vốn từ cộng đồng (cách đầu tư mới): Khả năng huy động trên tầm quốc tế như Kickstarter, Indiegogo và GoFundMe. Cho phép các quỹ huy động vốn cộng đồng quốc tế lần đầu tiên có thể mở rộng quy mô lên đến hàng trăm triệu USD và có thể giao dịch hàng chục triệu đô trên toàn thế giới chỉ trong vòng 30 giây.
“Bạn không thể kết nối các điểm mốc khi bạn nhìn về tương lai phía trước, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi bạn nhìn lại quá khứ. Vì thế bạn phải tin rằng các điểm mốc hiện tại bằng cách nào đó sẽ kết nối với nhau trong tương lai.”
– S T E V E J O B S
CÓ NÊN ĐẦU TƯ VÀO THỊ TRƯỜNG TIỀN ĐIỆN TỬ?
Nếu theo dõi tin tức trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, bạn sẽ thấy một số tin tức về việc lừa đảo bằng tiền ảo qua một số đồng như Bitcoinnect, Onecoin, iFan, PinCoin… lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mà người Việt Nam là đối tượng dễ bị mắc bẫy của các nhóm lừa đảo công nghệ mang mác đầu tư tiền điện tử trên thế giới.
Điều này khiến không ít người dù chưa bước chân vào thị trường Tiền kỹ thuật số nhưng đã nảy sinh tâm lý sợ hãi và dè chừng vì lo sợ mình cũng sẽ là nạn nhân của “tiền ảo”. Tuy nhiên, nếu thử suy ngẫm kĩ lại bạn sẽ thấy, trong bất cứ thị trường đầu tư nào từ kinh doanh, bất động sản đến chứng khoán, vẫn luôn có những tổ chức lợi ích thực hiện các hành vi lừa đảo để trục lợi. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh, chứ bản thân thị trường không có lỗi.
Do vậy, hãy nhìn vào những mặt tích cực và giá trị thực tiễn trong tương lai mà crypto mang lại để có đánh giá khách quan hơn.Trên thực tế, khó có chiến lược làm giàu nào có thể giúp chúng ta làm giàu “nhanh”, làm giàu “dễ dàng”, nếu có cũng chỉ là lừa đảo để đánh vào tâm lý của những người có tư duy mơ giàu, thích giàu.
Việc làm giàu đòi hỏi một quá trình, mà để tránh mất tiền oan thì điều kiện tiên quyết là bạn phải có kiến thức và am hiểu được thị trường.
Một Số Lời Khuyên Cho Bạn
- Thứ nhất, nếu có bất kì tổ chức nào nói với bạn về một loại tiền nào mà lãi suất lớn hơn hoặc bằng (>=) 7%/tháng thì có thể đây thuộc 2 dạng Ponzi Scheme (Mô hình Ponzi) hoặc Paramid Scheme (Mô hình lừa đảo kim tự tháp). Đã có rất nhiều người Việt Nam nhẹ dạ cả tin bị lừa bởi các tổ chức này, bạn nên cảnh giác và không giao phó túi tiền của mình cho bất kì ai. Cũng hãy phân tích cho bạn bè, người thân của bạn khi họ đi sai đường và vướng vào những mô hình kể trên.
- Thứ hai, mọi người luôn sai lầm vì muốn kiếm lời với thị trường Tài chính nói chung, thị trường Tiền điện tử nói riêng. Nói đến đầu tư, họ chỉ nghĩ đến việc lợi nhuận cao mà quên mất vế sau: “RỦI RO CAO“. Nếu muốn đầu tư thì tốt nhất là chỉ nên đầu tư bằng “tiền nhàn rỗi” của bạn và ĐỪNG LÀM MẤT NÓ. Đồng tiền từ sức lao động là đồng tiền xương máu, nên mong bạn Tuyệt Đối không làm mất tiền khi đầu tư.
- Thứ ba, làm giàu “Chậm”, muốn nhanh thì phải chậm trước đã. Mình có đọc một câu rất hay ở đâu đó “Tiền sẽ nằm trong đầu trước rồi mới đến tay bạn sau. Nếu như, tiền đến tay bạn đầu tiên thì hãy coi chừng”. Cho nên hãy đầu tư vào kiến thức trước, đầu tư vào sách hoặc tham gia các khóa học của những giáo viên uy tín. Sau đó, hãy dùng một khoản tiền nhỏ để test lại kiến thức của mình. Thực chiến luôn khác xa với lý thuyết, nhưng thiếu lý thuyết khả năng sống sót sẽ kém hơn.
- Thứ tư, TUYỆT ĐỐI không nên đầu tư bằng tiền đi vay thế chấp, cầm cố sổ đỏ, vay ngân hàng, … Tóm lại đi vay, vị thế đầu tư của bạn sẽ nhỏ lại, gánh nặng sẽ gia tăng, tâm lý kém tích cực do đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ra quyết định.
- Thứ năm, trong thị trường này, không có ai biết trước tương lai. Vì vậy, không có bất kì một lời khuyên từ ai là chính xác tuyệt đối cả. Mọi nhận định đều là chủ quan. Và bạn càng không thể tin tưởng vào những thông tin miễn phí trôi nổi trên mạng. Hãy phân tích thông tin đa chiều, chỉ ra quyết định khi thật sự CHẮC CHẮN.
Khi không đủ kiến thức, nhiều người trở thành nạn nhân của sự nhiễu loạn thông tin xung quanh sự bùng nổ của tiền điện tử. Luôn luôn sẽ có ai đó bị FOMO (Fear Of Missing Out – Nỗi sợ bị bỏ lỡ), mua ồ ạt khi số tiền đang chạm “đỉnh”, chỉ hy vọng làm giàu nhanh, trong khi không hiểu biết về tiền điện tử. Dù lựa chọn chiến lược nào, hãy trang bị cho mình kiến thức thật vững vàng.
Rủi Ro Khi Đầu Tư
- Rủi Ro Về Chính Trị Và Pháp Luật : lấy Bitcoin làm ví dụ mặc dù Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất cứ chính phủ hay cá nhân nào, nhưng bạn thử nghĩ xem nếu một số cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc đột ngột cấm Bitcoin (Có thể vì các lí do như nghi ngờ rửa tiền, dính líu đến mai thúy @.@), đóng cửa các sàn có trụ sở tại nước sở tại thì giá Bitcoin sẽ rớt giá như thế nào? Nếu niềm tin bị giảm sút, Bitcoin sẽ trở nên kém ảnh hưởng hoặc trở nên vô nghĩa không hơn không kém. Nếu bạn cho rằng nó không bị ảnh hưởng, thử nghĩ xem số Bitcoin của hàng loạt nhà đầu tư trên sàn bị tịch thu, những người chơi khác sẽ cảm thấy thế nào với tiền của họ.
- Rủi Ro Biến Động Giá : điều này bạn có thể thấy rất rõ ràng trong khoảng thời gian gần đây nếu bạn đã và đang tham gia trong thị trường tiền điện tử. Việc các đồng tiền bị sụt giảm 70% đến 95% giá trị so với mức giá cao nhất. Đầu tư luôn đi kèm với rủi ro lớn bạn nên hiểu điều này.
- Rủi Ro Từ Hacker và Từ Chính Các Sàn Giao Dịch : Đây cũng là một trong những rủi ro lớn, khiến nhiều người lo ngại nhất khi đầu tư vào thị trường này đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. Hiện tại ở Việt Nam, vẫn chưa có các quy định cụ thể về việc đầu tư liên quan đến tiền điện tử. Đồng nghĩa với việc bạn không hề được đảm bảo trong các giao dịch khi liên quan đến tiền điện tử, bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về các khoản đầu tư của mình. Nếu bạn giao dịch trên 1 sàn giao dịch uy tín, điều đó sẽ hạn chế rủi ro này, nhưng các vụ hack gần nhất cho chúng ta thấy rằng không có điều gì là chắc chắn cả. Hãy luôn rõ ràng về rủi ro này.
- Rủi Ro Từ Bản Thân Đồng Tiền : ICO trong năm 2017 và đến hôm nay các dự án đó hầu hết đang phải đối đầu với việc từ bỏ. Chính bản thân đồng tiền điện tử cũng có thể là một rủi ro, không có gì dám chắc việc nhà phát triển, phát hành các đồng tiền điện tử đột ngột đổi ý hoặc thay đổi kế hoạch thậm chí hủy luôn đồng tiền đó.
Tương Lai Của Tiền Điện Tử
Nói thật khi bàn về vấn đề liên quan đến “tương lai” này thì khó mà nói sao cho ổn được.
Dự đoán là một việc phức tạp. Lý thuyết hỗn loạn cho chúng ta biết không thể dự đoán trước tương lai. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng, chúng ta có thể thấy các sự kiện thiên nga đen hoặc những công nghệ mới hoàn toàn bất ngờ. Rất ít người có thể làm tốt.
Trong thực tế, hầu hết mọi người thường có những dự đoán buồn cười về tương lai. Chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu hơn KHÔNG PHẢI để đoán xem liệu “Giá của Bitcoin sẽ trở thành con số 0” hay “ Bitcoin sẽ trở thành đồng tiền dự trữ có giá trị lên đến $1.000.000 hay không?”. Thay vào đó, chúng ta sẽ xem xét sự biến đổi của công nghệ và rồi xã hội sẽ thay đổi như thế nào cùng với những cải tiến đó.
- Mọi giá trị và tài sản đều có thể mã hóa và chuyển giao thông qua tiền điện tử. Công nghệ mã hóa sẽ ngày càng phát triển và đi sâu hơn vào mọi mặt của cuốc sống.
- Sẽ có nhiều luật định và sự chấp thuận đối với tiền điện tử từ chính phủ hơn, và tiền điện tử của chính phủ sẽ phát triển trong tương lai gần.
- Nền kinh tế trong tương lai có thể rất khác hơn so với bây giờ nhờ có tiền điện tử và sự đồng thuận phân quyền.
- Blockchain chỉ là khởi đầu của sự đồng thuận phân quyền, các hệ thống mới sẽ được tạo ra bởi các phương thức mới. Một hoặc hai hệ thống sẽ thống trị tất cả kết hợp với nhau vận hành toàn hệ thống như một khối fractal lớn (Keyword: Hình học Fractal) cho phép vô số mạng lưới con có thể phát triển bên trong nó.
- Sẽ có ít tiền điện tử và có nhiều thẻ token hoặc token dưới dạng chứng khoán hơn. Mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn đến việc đầu tư trong tương lai .
- Có thể blockchain sẽ dung túng hơn với những kẻ xấu xa. Không có gì tốt hay xấu mọi thứ đều có 2 mặt của nó.
Tiền điện tử đại diện cho một nâng cấp cơ bản cho các hệ thống kinh tế thế giới mới. Khi chúng được khởi động và tích hợp hoàn toàn vào mạng lưới toàn cầu, thế giới trông sẽ rất, rất khác biệt so với những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Hàng trăm năm kể từ bây giờ, các nền kinh tế ngày nay sẽ giống như các nền kinh tế phong kiến trong quá khứ.
Nếu bạn đang làm việc trong không gian tiền điện tử thì tức là bạn đang xây dựng thế giới của ngày mai nhưng đừng mong đợi nó sẽ đến vào tuần tới. Quán tính có một cách làm chậm mọi thứ dù là những tên lửa nhanh nhất. Bạn chỉ cần tận hưởng chuyến đi và mạnh dạn đến những nơi chưa từng có người đặt chân tới.
LỜI KHUYÊN TỪ CÁ NHÂN MÌNH
Lời khuyên cá nhân của mình cho những bạn nào có ý định tìm hiểu về tiền điện tử hay đầu tư vào nó, đây là kinh nghiệm của mình qua gần 4 năm tìm hiểu và tham gia thị trường này.
Lời Khuyên 1
Hãy đầu tư vào kiến thức cho bản thân mình trước.
Đây có lẽ là bài học nằm lòng cho bất cứ ai đầu tư hay kinh doanh. Bạn đầu tư vào tiền điện tử hay đầu tư vào chứng khoán, ngoại tệ, vàng đều có điểm tương đồng nhau tuy nhiên bạn phải rõ ràng về rủi ro trong đó đặc biệt với tiền điện tử mình có nêu rõ một số rủi ro bên trên cho bạn rồi đó. Vì vậy kiến thức là điều đầu tiên mình khuyên bạn.
Lời Khuyên 2
Hãy hiểu thật rõ về bản thân mình.
Tại sao mình lại cho bạn một lời khuyên có vẻ như không có liên quan gì đến vấn đề chính của chúng ta : đầu tư. Thực tế là điều này rất quan trọng đó, những niềm tin hay định nghĩa bạn có sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của bạn khi bạn đầu tư, bạn có thể bị thị trường ảnh hưởng bởi những biến động, sự kích thích cực độ từ đám đông hay sự tự tin không có căn cứ vào bản thân mình. Có lẽ bạn sẽ không tin điều này, những cũng đừng phủ nhận ngay nó.
Lời Khuyên 3
Đọc thật nhiều sách, báo, thông tin hơn nữa, luôn kiểm chứng thông tin trước khi ra quyết định.
Bạn đọc càng nhiều bạn càng có cơ hội thành công khi đầu tư, bạn đọc càng nhiều sự tích lũy về kiến thức cho bạn những lý lẽ và lập luận cơ sở khi bắt đầu đầu tư. Bạn đừng hi vọng về việc ai đó sẽ chỉ cho bạn đầu tư vào đồng coin nào, với tư tưởng như thế bạn có thể sẽ bị dắt mũi và lừa đảo số tiền mà bạn vất vả kiếm được. Hãy học cách tự lập đưa ra những lý lẽ của bản thân điều đó rất tốt.
Cuối cùng, thay cho lời kết mình sẽ trích dẫn một câu của Theodore Roosevelt (tổng thống thứ 26 của hoa kỳ)
“Không phải là lời chỉ trích, không phải là người có thể chỉ ra cách mà người mạnh mẽ vấp ngã, cũng không phải là cách những người nhiệt huyết có thể làm mọi thứ tốt hơn. Công trạng sẽ thuộc về người đàn ông thật sự đứng trong chiến trường, người mà khuôn mặt bị tàn phá bởi bụi, mồ hôi và máu; người chiến đấu một cách dũng cảm, người phạm sai lầm, người thất bại hết lần này đến lần khác, bởi vì không có nỗ lực nào mà không gặp sai lầm hay thất bại; nhưng những người đó mới thật sự ra sức để hành động; người biết đến lòng nhiệt huyết vĩ đại, sự thành tâm vĩ đại; người đắm mình vì những mục đích cao cả; người thành công biết đến mọi vinh quang chiến thắng, người thất bại ít nhất cũng đã thất bại khi dám đương đầu, để không phải ngang hàng với những linh hồn lạnh lẽo và cô tịch không bao giờ biết đến chiến thắng hay thất bại.”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://en.wikipedia.org/wiki/Asset
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Blockchain
- https://www.investopedia.com/ask/answers/12/what-is-an-asset.asp
- https://hackernoon.com/the-history-of-money-the-future-of-bitcoin-and-the-cryptocurrency-economy-5cc25e808275
- https://hackernoon.com/what-will-bitcoin-look-like-in-twenty-years-7e75481a798c
- https://steemit.com/cryptocurrency/@cryptoassets/what-are-crypto-assets-and-how-do-they-work
- https://cointelegraph.com/bitcoin-for-beginners/what-are-cryptocurrencies
- https://coinaz.net/nhung-rui-ro-nguy-co-khi-dau-tu-tien-dien-tucoin-can-biet.html
- https://www.mercatus.org/system/files/Brito_BitcoinPrimer.pdf
- https://decred.org/research/king2012.pdf
- https://www.mercatus.org/system/files/Brito_BitcoinPrimer.pdf
Felix Nguyen | Biên tập & Tổng Hợp