Mỗi chúng ta có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về tiền tệ, dẫn đến những quan niệm khác nhau về cách sử dụng đồng tiền và việc lên Kế hoạch Đầu tư cũng như Tài chính cá nhân.
Bài viết này, mình sẽ đề cập về mối tương quan giữa Tiền Tệ (Currency) và Sức Mua (Purchasing Power), như một THƯỚC ĐO NĂNG LƯỢNG của tiền bạc (Money). “Năng lượng không tự nhiên sinh ra hay mất đi, mà chuyển từ một dạng này sang dạng khác”. Điều này cũng rất đúng đối với tiền bạc.
Nguồn Năng Lượng Sức Mua là gì?
Năng lượng sức mua (purchasing power) là khả năng mua được một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định của một đơn vị tiền tệ. Khi một đơn vị tiền tệ mua được càng nhiều hàng hóa, sức mua của nó càng cao và ngược lại. Khi giá cả tăng, sức mua của một đơn vị tiền tệ giảm xuống và ngược lại.
(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Tiền bạc là thành quả của quá trình lao động tạo ra SẢN PHẨM giá trị ở bất kỳ hình thái nào. Bên cạnh đó nó còn là mồ hôi, công sức và nỗ lực mà chúng ta tạo ra mỗi ngày. Chúng ta đang chuyển đổi những năng lượng nội tại của bản thân mình trở thành năng lượng của sức mua. Sau quá trình đó, chúng ta dùng nguồn năng lượng sức mua đó (tiền) đó để đổi lấy những thứ chúng ta cần cho cuộc sống hằng ngày và đạt đến những mục tiêu mà chung ta mong muốn.
Tiền mặt (Cash) là công cụ quy đổi phổ biến và đơn giản nhất hiện nay, có khả năng chia nhỏ ra nhiều đơn vị. Ví dụ, như cầm 20 nghìn đồng, mình có thể mua được 1 ly cà phê đen đá không đường có giá trị 20 nghìn đồng. Điều đó có nghĩa là tờ tiền kia, chứa nguồn năng lượng sức mua giá trị 20 nghìn đồng, chứ bản chất tờ giấy bạc kia chỉ là một tờ giấy không hơn không kém.
Trong trường hợp ly cà phê có giá 15 nghìn đồng, năng lượng sức mua lớn hơn, ta vẫn còn dư 5 nghìn đồng. Trong trường hợp ly cà phê có giá 25 nghìn đồng, năng lượng sức mua bé hơn, chúng ta không đủ tiền (năng lượng) để mua.
Có nhiều bạn vẫn hay nói đùa như thế này “Tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ túi người này sang người khác”.:D. Như vậy có thật sự đúng hay không?
Vì sao, tiền bạc lại khó hiểu đến vậy? Và có điều gì bí ẩn sau tờ tiền kia mà đa phần chúng ta lại phải nỗ lực lao động, đánh đổi sức lực, mồ hôi, xương máu cho nó. Liệu chúng ta có phải là nô lệ của tiền bạc hay không? Vậy tiền là gì mà chúng ta phải điên cuồng với nó như thế?
Tiền Tệ là gì?
Trước khi nói về tiền tệ, thì mình có một ví dụ đơn giản như thế này nhé. Ở thời tiền sử, có một anh Ba Lích “nông dân cổ đại” trồng lúa ở bộ lạc Ô-Lô-Hê, nhà tù trưởng ở kế bên nuôi 200 con gà và 50 con heo. Một ngày trái gió, anh Ba Lích bị ốm và hết tiền nhưng thèm ăn cháo gà quá. Anh ta bèn đem qua nhà tù trưởng 5kg gạo để đổi lấy 2 con gà. Tù trưởng chấp nhận giao dịch. Lúc này, giao dịch này được ghi “Thằng Lích nó đổi 5kg gạo lấy 2 gà”. Như vậy, giao dịch trung bình sẽ là 2.5kg/1 con gà.
Một ngày kia anh Ba Lích khỏe bệnh muốn ăn đùi gà chiên, vì nhu cầu chỉ muốn mua nửa con gà (~1.75kg gạo). Tù trường thấy vô lí quá, liền đuổi khéo “Gà tao nuôi nguyên con, cần tao cho chứ không bán, về đi”, anh Ba Lích buồn nên quay về bật Masterchef lên ăn cơm không và “gà gỗ đút lò”. Đây là Mâu thuẫn diễn ra trong quá trình trao đổi hàng hoá và mất cân bằng trong thỏa thuận đơn vị chia. Lúc này tiền tệ xuất hiện.
Vậy “tiền” – bản chất thật của nó là đơn vị trung gian mà 2 bên tin là có giá trị, và có thể chia ra từng phần nhỏ dễ dàng. Tiền bạc ra đời đảm bảo cho nó đủ nhẹ để có thể mang đi xa có thể lưu trữ và bảo quản trong thời gian dài. (Gà có thể chết, gạo có thể bị hư do ẩm mốc)
Nhưng trong phạm vi “lòng tin”, thì đây là một vấn đề lớn. Trước đây, gà với gạo nói riêng hay vật ngang giá nói chung được trao đổi dựa trên “lòng tin” vì đơn giản là nó có giá trị trao đổi trong ngắn hạn, dễ dàng cầm nắm. Còn giả dụ như bạn lấy giấy bút và vẽ ra một tờ tiền, nói với mọi người là nó có giá trị. Vậy cơ sở nào để họ có thể tin tưởng tờ giấy bạn vẽ ra?
MỘT CHÚT VỀ LỊCH SỬ
Ai cập là nơi khởi nguồn của tiền tệ. Từ 5000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng Vàng, Bạc làm công cụ để trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên các mẫu vàng, bạc có kích thước và trọng lượng không đồng đều và không tinh khiết, do đó việc trao đổi hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Mọi thứ không được định giá một cách chính xác mà theo cảm tính. Đó còn là một trò chơi suy đoán về giá trị thực của một loại hàng hóa nào đó.
Từ thời xa xưa, người ta đã dùng vàng bạc làm trang sức, với nhiều đặc tính như khan hiếm, khó khai thác, không bị oxi hoá, dễ chế tạo, có màu sắc đẹp đã dễ dàng chiếm được cảm tình của người sở hữu nên dần dần trở nên quý hiếm và được cộng đồng tin tưởng. Ngoài việc dùng làm trang sức, vàng còn được dùng làm phương tiện trao đổi thanh toán.
Càng ngày, nhu cầu trao đổi giao thương của con người càng trở nên sôi động, số lượng vàng khai thác không kịp với nhu cầu sử dụng nên họ không thể dùng vàng để giao dịch mãi được. Thay vào đó, các doanh nhân thời thượng thời đó còn sử dụng, vỏ sò, lông chim, răng cá mập, lông đuôi voi, và thậm chí có cả tảng đá (được cho là quý hiếm) để làm phương tiện trung gian để thanh toán.
Sau khi thấy những bất lợi và sự thô sơ của những công cụ thanh toán này hoặc do thương các doanh nhân không thể quy đổi vật ngang giá như vỏ sò, lông chim, răng cá mập thành nhu yếu phẩm, Chính phủ các quốc gia bắt đầu sáng tạo ra đồng tiền kim loại (tiền xu) bằng đồng, kẽm hoặc thậm chí bằng vàng. Họ đứng ra công nhận và đảm bảo giá trị cho chúng trên cơ sở lòng tin, người dân thời đó có thể cầm đồng tiền đó vào kho lương thực của nhà nước để đổi lấy lương thực cần thiết cho cuộc sống.
Tiền giấy/polyme cơ bản hoạt động cũng giống cơ chế như tiền xu đúc nhưng với ưu điểm nhẹ hơn, dễ sản xuất và chi phí thấp hơn, công nghệ chống làm giả cũng được phát triển từng giai đoạn … và quan trọng nhất là được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Khi thời đại Internet bùng nổ, các ngân hàng tiến hành số hóa bằng cách sao lưu sổ cái của họ từ giấy lên máy chủ đám mây (cloud) có kết nối với Internet. Từ đó tiền điện tử ra đời và lưu chuyển trên toàn Thế giới. Đó là cách tiền điện tử được các tổ chức ngân hàng trung ương phát hành.
Một hành trình “nghìn năm” đi từ trao đổi vật ngang giá dựa trên lòng tin với nhau, đến tờ tiền giấy có hình ảnh và số thể hiện mệnh giá được nhà nước đóng mộc chỉn chu khiến bạn – người mua – tin rằng nó có giá trị. Người bán hàng bạn cũng tin nó có giá trị, đó là cách vận hành của hệ thống tiền tệ hiện tại.
Tiền Bạc là gì?
Tiền bạc là tiền tệ nhưng cộng thêm chức năng lưu trữ giá trị và duy trì được năng lượng sức mua trong một thời gian dài. Theo một cách đơn giản là “tiền có thể xài trong suốt một khoảng thời gian dài”. Vậy tờ 500.000 VNĐ trong túi bạn có phải là tiền bạc thực sự hay không ? Nếu không có 500.000 VNĐ thì hãy rút tờ 5.000 VNĐ và nói là “À, mày đúng là tiền bạc rồi”
Không có quá nhiều người phân biệt được “Tiền tệ” và “Tiền bạc”. Nếu đã đọc đến đây bạn đã là một người có hiểu biết về những định nghĩa này. Chúc mừng bạn.
Chuyện về “Năng Lượng Sức Mua”
Có một câu chuyện đáng nhớ mà mình đã xem ở VTV về người lớn tuổi Hà Nội. Từ sau giải phóng, họ có bỏ tiền tiết kiệm của họ vào ngân hàng. Tiền tiết kiệm thời đó có giá trị quy đổi vài chục đến vài trăm cây vàng. Ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn họ có thể mua được cả một căn nhà mặt phố, đủ để cho thằng cu con làm oai làm oách với thiên hạ. Thực thế thì, sau vài chục năm, với số tiền tiết kiệm ấy, họ chỉ mua được 2 tô phở. Đó là một ví dụ điển hình cho sự tiêu hao Năng lượng sức mua. Năng lượng sức mua giảm dần theo thời gian.
Có nhiều người bảo rằng, biết vậy “mua vàng giờ là ngon rồi”. Biết vậy thì ai cũng giàu.
Cách đây nửa năm, mình có cùng em người yêu, cày bộ “Vì sao đưa anh tới” – (đây là bộ phim truyền hình Hàn Quốc kể về một người ngoài hành tinh tới Trái Đất trong triều đại Joseon của Hàn Quốc và đem lòng yêu một nữ diễn viên hàng đầu trong thế kỷ 21). Vì sống quá thọ nên anh chàng này này đã nhờ những nhà môi giới ở quá khứ giúp mình đầu tư Bất động sản. Ở giai đoạn có Thị trường Chứng khoán, anh này cũng quyết định đầu tư số tiền nhàn rỗi mà mình có được thay vì gửi tiết kiệm. Anh chàng này có đầu tư Vàng không thì mình không biết. Dần dần, anh ta này trở thành một Đại gia ngầm, sở hữu khối tài sản khổng lồ sau nhiều lần làm giấy khai tử. Đây cũng là một ví dụ cho việc Chuyển dịch Nguồn năng lượng sức mua từ Tiền qua Tài sản đạt hiệu quả cao và kết quả là Nguồn năng lượng sức mua này được tăng trưởng theo thời gian.
Qua vài ví dụ trên, chúng ta thấy được “tiền bạc” vốn dĩ là một công cụ để ta lưu lại (vật chứa) sức mua. Ở ví dụ về nhưng người cao tuổi ngoài Hà Nội họ bị lạm phát cuốn trôi Nguồn năng lượng sức mua của họ về mức 2 tô phở vì trót tin tưởng vào công cụ lưu trữ là tiền bạc. Điều này gây ra một sự rò rỉ năng lượng ở một mức cực kỳ nghiêm trọng trong khi trong khi anh chàng trong phim Hàn Quốc kia lại tạo ra sự tăng trưởng đáng nể về năng lượng sức mua.
Kết luận: “Lựa chọn những nguồn lưu trữ năng lượng một cách thông minh sẽ giúp cho bạn đạt được những kết quả khả quan trong dài hạn”
Vậy Ta Nên Lưu Trữ Nguồn Năng Lượng này ở Đâu?
Nói thì dễ, làm mới khó, có nhiều người cũng đã trả giá hoặc thậm chí là bỏ mạng nơi trận mạc để tìm ra một nơi lưu trữ Nguồn năng lượng này cho mình.
Tạm thời mình sẽ viết tắt Năng Lượng Sức Mua thành NLSM nha mọi người.:D
Có rất nhiều nơi để lưu trữ được NLSM như vàng (Gold), bất động sản (Real Estate), cổ phiếu (Stock), trái phiếu chính phủ (Government Bond), trái phiếu doanh nghiệp (Company Bond), hàng hoá (Commodity) (như là dầu mỏ, cà phê, lúa, thịt heo, …). Tuy nhiên, công cụ phổ biến nhất vẫn là Tiền mặt (Cash), nơi mà NLSM có thể dễ dàng lưu thông từ người này đến người kia và có thể chia nhỏ để sử dụng trong nhiều kích cỡ giao dịch khác nhau. (Tính thanh khoản cao)
Qua quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam, chúng ta thấy được Thị trường tài chính ở đất nước chúng ta còn quá non trẻ, nên đối với đa phần người Việt thì 2 công cụ chắc ăn và được tin tưởng nhất để lưu lại NLSM là vàng và bất động sản. Còn những thị trường tài chính khác như Hàng hoá, Chứng khoán, Crypto, Forex, … ở Việt Nam thường hay bị biến tướng, nhiều cạm bẫy. Quan trọng nhất, chúng vẫn chưa được Chính phủ bảo hộ như ở nước ngoài, luật định còn khá lỏng lẻo, nên bị mọi người nhìn nhận rất tiêu cực như mang tính may rủi và cờ bạc.
Phân Bổ Nguồn Năng Lượng Sức Mua
Trên đây là hình ảnh minh hoạ về sự phân bố Nguồn năng lượng sức mua theo danh mục của một nhà đầu tư cổ phiếu điển hình – dựa vào việc phân bổ nguồn năng lượng này theo:
Thu nhập cố định – Fixed Income: Các khoản đầu tư mang lại thu nhập cố định, có thể là lãi từ chứng khoán hoặc cổ tức cố định, hoặc lương tư công việc chuyên môn. Khoản đầu tư này luôn được chính xác và thời điểm có thể theo ngày, tháng, quý hoặc năm.
Tiền mặt – Cash: Đây là số tiền bạn cần có trong tay để chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu, những trường hợp khẩn cấp. Việc nắm giữ tiền mặt là để phục vụ nhu cầu ngắn hạn. Nếu bạn giữ một lượng lớn tiền mặt trong tài khoản lãi suất cao, bạn không những không nhận được tỷ suất sinh lợi tốt mà còn có nguy cơ mất sức mua nếu lạm phát gia tăng đột biến.
Cổ phiếu vốn hóa lớn – Large-cap stock market: Cổ phiếu có vốn hóa lớn là cổ phiếu của các tập đoàn lớn: các công ty có giá trị vốn hóa thị trường thuộc Top 10 vốn hóa (tổng giá trị thị trường bằng đô la của cổ phiếu đang lưu hành của công ty). Các cổ phiếu vốn hóa lớn được đánh giá là khá ổn định, ít rủi ro.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ – Small-cap stock market: Không có một định nghĩa nào về cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nhưng nó là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả các công ty có giá trị vốn hóa thị trường ngoài Top 10. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong lịch sử đã mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng đi kèm với luận cao đó là sự rủi ro cao.
Mỗi “công cụ” sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Ví dụ như BĐS khi lưu giá trị vào rồi bạn rất khó di chuyển nguồn năng lượng đó linh hoạt từ nơi này sang nơi khác như tiền mặt. Nhưng đổi lại mức độ tăng giá của BĐS mỗi năm (mình không đưa ra lời khuyên đầu tư BĐS ở Việt Nam), khá tốt nên chống được lạm phát, không những giữ được nguồn năng lượng của bạn không mất đi mà còn gia tăng thêm sức mua theo thời gian.
~
Bài viết đã khá dài nên mình sẽ tạm dừng lại ở đây. Hy vọng tất cả mọi người sẽ nhận được nhiều giá trị từ bài biết. Bài viết chỉ mang ý nghĩa tham khảo về mặt kiến thức và không phải là khuyến nghị Đầu tư.
Nguồn Tham Khảo:
[1] Lưu trữ nguồn năng lượng sức mua vào internet – Thuận Capital: https://thuancapital.com/luu-tru-nguon-nang-luong-suc-mua-vao-internet-i615.html
[2] Sample Asset Allocations: What Is Right for You?: https://www.newretirement.com/retirement/sample-asset-allocations/
Felix Nguyễn | Tổng Hợp & Phóng Tác