“Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội – liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong xã hội với một nguồn lực có giới hạn”.
(Theo Wikipedia)
Hiểu một cách đơn giản, kinh tế nghĩa là làm mọi việc một cách hiệu quả nhất có thể trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Vì gắn nhiều với các hoạt động tài chính, tiền tệ nên nhiều người cho rằng kinh tế nghĩa là tiền và thường có những quan niệm sai lệch về nó đồng thời cho rằng kinh tế thường đi cùng với những gì độc đoán và tham lam. Nhưng không, bản chất kinh tế không hề xấu, nó ra đời để giải quyết các vấn đề của con người bao gồm cả đời sống xã hội và tinh thần một cách hiệu quả hơn. Nếu hiểu đúng và vận dụng triệt để theo bản chất nguyên thủy của nó cuộc đời mỗi người sẽ trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Kinh tế luôn dựa trên nguồn lực khan hiếm
Nghe có vẻ hơi thực dụng khi đem hạnh phúc đo lường bằng khái niệm kinh tế, nhất là với những quốc gia có gốc gác khinh thường kẻ xuất thân từ tầng lớp “con buôn” và người làm kinh tế như Việt Nam. Nhưng như đã nói về bản chất kinh tế, nếu không bị bóp méo bởi những biến động văn hóa và lịch sử thì trong con mắt người Á Đông, kinh tế đã không hề xấu đến vậy. Nó giúp con người ta đạt được cái mình muốn nhanh nhất với cái giá phải trả ít nhất mà đề cập cụ thể trong bài viết này chính là hạnh phúc. Bởi xét đến cùng ai cũng mong mỏi hạnh phúc trong một cuộc đời chỉ là chúng ta đang đi sai cách khi đánh đổi và trả giá quá nhiều bằng những mất mát đau thương. Mong rằng với một cách tiếp cận khác, mỗi người rồi sẽ tìm được hạnh phúc trong cuộc đời mình bằng những phương pháp khoa học đã được áp dụng thành công từ thế giới phương tây, bắt đầu từ việc hiểu về sự “hạn chế” của đời người.
Sai lầm thường thấy của những người trẻ là luôn tin vào những nguồn lực “vô tận” được ban cho từ cuộc đời để rồi lãng phí và dẫn đến những sai lầm. Thời gian không vô tận, sức khỏe không vô tận thậm chí cả những mỗi quan hệ, những cơ hội có thể xảy đến trong cuộc đời bạn cũng không hề vô tận. Chúng có giới hạn và nếu bị khai thác một cách bừa bãi rồi cũng sẽ đến lúc phải cạn kiệt. Thế nhưng bằng những ảo tưởng tự bào chữa, chúng ta ít ai dám thừa nhận mà hiển nhiên phó mặc cho số mệnh và tự hào vào những nguồn lực vô tận của cuộc đời. Điều này có thể chấp nhận nếu nhìn theo góc độ tôn giáo hay tâm linh nhưng với kinh tế: Phó mặc không vận động là một trong những cách tự sát nhanh nhất bởi trong chu kì mọi thứ đều không ngừng đi lên thì dậm chân đồng nghĩa với việc tụt lùi.
Trong một cuộc chơi kinh tế, kẻ nào tận dụng nguồn lực hiệu quả hơn kẻ đó là người chiến thắng. Có bao giờ bạn loay hoay tự tin nhìn vào một chàng “con nhà người ta” nào đó rồi tự trách bất công khi họ lại có thể đạt được ngần ấy thành tựu trên đời? Câu trả lời ở đây chính là trò chơi về kinh tế, dù cho xuất thân có là trâm anh, thế phiệt hay thuần nông đại chúng thì bản chất cũng đều bị giới hạn bởi một nguồn lực hạn chế như nhau, nhất là về thời gian và khả năng học hỏi. Không bao giờ khác được. Và kẻ nào tự ý thức được chỗ đứng của bản thân mình và tận dụng lợi thế xung quanh để đi tiếp mới là kẻ có đủ tư cách để nói về công bằng hay bất công.
Tận dụng lợi thế từ những giả định
Hiểu được sự hạn chế về hoàn cảnh rồi thì làm như thế nào, đâu phải ai cũng biết xoay chuyển nó nếu như hoàn cảnh của mình quá dỗi… khiêm tốn so với hoàn cảnh chung của… thị trường. Nói một cách bài bản và đầy đủ thì sẽ phải trải qua thêm rất rất nhiều giai đoạn nhỏ khác như tiêu dùng dưới mức, tích lũy kĩ năng, đầu tư cơ hội…. Tuy nhiên những công đoạn đó đòi hỏi rất nhiều thời gian và kĩ năng vận dụng nên trong bài viết này mình chỉ tập trung vào hai yếu tố chính là chi phí cơ hội và lí thuyết trò chơi vì nó gần gũi và có thể áp dụng được với mọi tình huống thường ngày. (Các bạn có thể đọc thêm quyển “chiến tranh tiền tệ” để hiểu thêm kiến thức chuyên sâu).
Bắt đầu từ chi phí cơ hội, cái giá phải trả cho bất kì hành động nào của con người. Nếu một ngày nọ được cậu bạn thân mời ăn một chầu buffer khủng với mức giá 199 ngàn thì khoan hãy nhận lời đã vì rất có thể bạn đang lỗ nặng trong một bài toán đầu tư. Nếu bạn được ăn một bữa 199 ngàn nhưng lại mất hẳn một buổi chiều 4 tiếng để thưởng thức trong khi nếu làm việc với mức lương hiện tại là 100 ngàn/ 1 giờ thì sau bốn tiếng, bạn sẽ thu về nhiều hơn. Vậy là cân nhắc theo góc độ tiền bạc được mời ăn nghe thì có vẻ lời nhưng thực chất là lỗ nếu chịu phân tích một cách thấu đáo.
Rất nhiều người không thực sự hiểu về chi phí cơ hội dẫn đến họ luôn là người thua trong bất kì cuộc chơi nào, kể cả hạnh phúc.
Tất nhiên thực tế sẽ khác rất nhiều so với bài toán trên bởi nếu mục đích đem ra cân nhắc không phải là cái nào nhiều tiền hơn mà là gìn giữ mối quan hệ bạn bè thì việc nhận chầu buffer kia là việc đúng đắn bởi nó cũng cố mối quan hệ của hai người. Nhìn thoáng hơn một chút, chi phí cơ hội có thể áp dụng vào rất nhiều mặt của cuộc sống chẳng hạn như việc cân nhắc giữa học bài tại quán coffee cùng hội bạn nhưng thực chất chỉ toàn tám chuyện với tự học bài tại nhà nhưng hiệu quả cái nào hơn. Hay việc tiếp tục tình yêu ở độ tuổi 17 mộng mơ và việc du học tại Mĩ cái nào hơn.
Tất nhiên chi phí cơ hội chỉ mang tính chất tương đối bởi nó không lường trước được những tình huống ngoài dự kiến có thể xảy ra và đó là lúc chúng ta cần đến “lí thuyết trò chơi”. Hiểu một cách đơn giản ta sẽ giả định liên tục nhiều chiến lược có thể xảy ra nhằm chọn lựa cái tốt nhất cho mình, chẳng hạn.
Nếu mình đi ăn buffer 199 ngàn trong khi đi làm được 400 ngàn, mình sẽ mất 201 ngàn, vậy xét trên góc độ tài chính mình lỗ.
Nếu mình đi ăn buffer mình có thể được gặp gỡ bạn bè và tạo thêm mối quan hệ trong khi chỉ mất một buổi đi làm, vậy trong trường hợp này mình lời…Tính toán một chút cũng được miễn là sống “tốt hơn ngày hôm qua“
“Lí thuyết trò chơi” hoạt động dựa trên cách thức cơ bản đó (nếu muốn tìm hiểu sâu bạn nên tìm đọc “thế lưỡng nan của người tù” và “con nhà siêu giàu Châu Á”). Mấu chốt của nguyên tắc này là bạn phải hiểu rõ mình muốn gì và làm mọi cách để đạt được nó. Dù những tích góp ban đầu có thể ít ỏi nhưng theo thời gian, lãi kép nhận được từ “lí thuyết trò chơi” sẽ đem về cho bạn rất nhiều miễn là bạn hiểu rõ mình và mục đích của mình.
Hiểu mình từ “Lí thuyết trò chơi”
Hẳn sẽ có nhiều người không thích khi nghe những đoạn này nhưng thực tế những gì liên quan đến kinh tế càng nên ít sự tham gia của cảm xúc và đạo đức thì càng tốt. Có một chập 16, 17 tuổi tôi nhạt nhào chưa hiểu mình là ai, có khả năng gì và trở thành gì. Khi ấy tôi luôn mong mỏi mình sẽ trở thành một thứ gì đó không phải mình bây giờ, có thể bay thật xa và sống cùng những gì mình muốn. Nhưng ngặt nổi bất kì ước mơ nào cũng bị người bạn niên thiếu của tôi phủ đầu bằng việc giao vào đầu tôi ý nghĩ tôi chỉ là thường dân, không phải “con nhà người ta” nên đừng mơ hảo nữa. Và thế là trong một khoảng thời gian rất lâu, có lẽ là gần 17 năm sống lớn lên cùng cậu ấy, tôi vẫn mặc định rằng mình không thể tự do bay trên bầu trời.
Dạo khác khi xem tivi về những người làm công việc sao chép tranh của đại danh họa Vangol ở một tỉnh thành Trung Quốc. Công việc hằng ngày của họ chỉ là sao chép sao cho thật giống bản gốc bức “đêm đầy sao” nổi tiếng của đại danh họa. Cho đến đoạn người thầy mắng xối xả vào cậu thợ học việc khi cho rằng cậu đã vẽ ra một bức “đêm đầy sao” của riêng mình thay vì sao chép tranh của Vangol, và câu nói năm đó như khiến giọt nước lâu ngày tràn ly “Cậu không bao giờ được làm theo ý cậu, mọi người sẽ không bao giờ chấp nhận một bức vẽ nào khác ngoại trừ “đêm đầy sao”. Thoáng chốc, tôi thấy có chút gì cô độc trong đôi mắt cậu học viên ấy lướt qua trước khi đáp lại bằng một cái gật đầu lạnh tanh không cảm xúc. Trong khi nhìn một cách thực tế thì bức tranh của cậu học viên rất đẹp, có khi còn hơn cả bức sao chép tranh đầy sao. Có thể tôi không đủ kiến thức để đánh giá nghệ thuật nhưng với tôi đó là một bức tranh đẹp, hơn hẳn những bức sao chép “đêm đầy sao”, và tôi là người chấp nhận cậu ấy. Cứ thế tôi tự hỏi đã có bao nhiêu “đêm đầy sao” ngoài kia chết vì những tư duy cay nghiệt của cuộc đời.
Nếu lúc ấy cậu học viên hành động khác đi thì sao nhỉ, nếu đáp lại hành động của người thầy bằng việc phản kháng hoặc mạnh mẽ hơn là ra khỏi thị trấn bé nhỏ ấy để đi theo con đường của riêng mình có lẽ sẽ có một đời thoát khỏi thảm cảnh “đêm đầy sao”. Cứ thế trong vô vàn những suy nghĩ trước câu chuyện của cuộc đời, tôi cứ mãi mắc kẹt trong vòng tư duy lẩn quẩn nếu không phải thế này… mà là thế kia. Nếu vậy tôi sẽ thay đổi được gì?
Tạm bỏ qua giai đoạn trăn trở về những giả định nếu… thì ám ảnh trong một khoảng thời gian rất dài. Mãi cho đến khi một biên tập viên tạp chí sinh hoạt tại trường và khai mở cho tôi về “lí thuyết trò chơi”, tôi mới biết mọi chuyện hoàn toàn có thể. Và tôi tự lập ra những giả định để thay đổi “hạnh phúc” của chính mình.
Nếu tôi chấp nhận lời cậu bạn thân nói, tôi sẽ mãi an toàn với mối quan hệ hiện tại và không có khả năng theo đuổi đam mê mà cụ thể ở đây là viết lách.
Nếu tôi phủ nhận và tiến lên, tôi có thể mất đi cậu bạn thân gắn bó 17 năm nhưng đổi lại sẽ thoải mái vì không phải nghe mãi những lời tiêu cực mỗi ngày. Và quan trọng hơn, tôi có thể được sống trong những ước mơ.
Tôi chọn bỏ lại một người bạn và tiến lên và may mắn thay lựa chọn của tôi đã đúng và tôi chưa bao giờ hối hận với những quyết định này. Có lẽ theo góc nhìn của xã hội phương Đông, tôi đã làm sai nhiều thứ khi bỏ lại một tình bạn “vàng” gắn bó 17 năm. Nhưng khắc kỷ hơn một chút, nếu mong ước của tôi là hạnh phúc và được sống cùng những ý tưởng làm ra. Tôi đã làm đúng. Và tôi không hề hối hận vì quyết định này.
Đôi khi hơi khó kể với người khác nghe hành trình mình đã hạnh phúc và thay đổi như thế nào, nhất là khi nó được vận dụng bằng một phương pháp hơi cực đoan. Nhưng cứ thử đi, không hối hận đâu, hứa đấy. Mong muốn cuối cùng của một đời người bao giờ cũng là hạnh phúc với giấc mơ của chính mình. Có lẽ vì hiểu sai mà phần nhiều trong số chúng ta không thực sự chạm được tới nó. Thử một đường khác, thử mở rộng vùng an toàn của mình ra và đôi khi hơi cực đoan để lập ra những giả định và rời bỏ những điều không làm cho ta hạnh phúc. Ta rồi sẽ sớm quay lại được với hạnh phúc của chính mình.
Hạnh phúc chưa bao giờ khó tìm cả, chỉ là ta đã chọn đem nó đã đánh đổi với thứ gì?
Tham khảo: Ybox
Felix Nguyễn | Biên Tập & Tổng Hợp